Khám phá SCAMPER – công cụ giúp tăng tốc sáng tạo sản phẩm mới thông qua 7 góc nhìn đơn giản mà hiệu quả. Hướng dẫn chi tiết & ví dụ thực tế.
  1. 1. Vì sao bước IDEATE là mạch sống của quy trình phát triển sản phẩm mới
    1. 1.1. IDEATE – Nhịp cầu giữa “hiểu nhu cầu” và “thiết kế giải pháp”
    2. 1.2. Vì sao IDEATE là bước dễ bị xem nhẹ và cần được đầu tư đúng cách
  2. 2. SCAMPER là gì và vì sao nên ứng dụng vào phát triển sản phẩm?
    1. SCAMPER là gì?
    2. SCAMPER giúp giải quyết vấn đề gì trong quá trình sáng tạo?
    3. Vì sao SCAMPER phù hợp với giai đoạn phát triển ý tưởng sản phẩm?
    4. So sánh SCAMPER với các phương pháp brainstorming khác
    5. SCAMPER không thay thế chiến lược nhưng là công cụ đắc lực để khơi mở chiến lược
  3. 3. Bảy lăng kính SCAMPER – cách đặt câu hỏi đúng để kích hoạt ý tưởng sản phẩm
    1. Lăng kính 1: Substitute – Thay thế
    2. Lăng kính 2: Combine – Kết hợp
    3. Lăng kính 3: Adapt – Điều chỉnh
    4. Lăng kính 4: Modify – Biến đổi
    5. Lăng kính 5: Put to Another Use – Dùng theo cách mới
    6. Lăng kính 6: Eliminate – Loại bỏ
    7. Lăng kính 7: Reverse – Đảo ngược / Sắp xếp lại
  4. 4. SCAMPER + Insight = Công thức tạo concept sản phẩm đúng nhu cầu
    1. Ý tưởng tốt không đến từ hư vô mà đến từ hiểu đúng vấn đề cần giải quyết
    2. Ứng dụng SCAMPER để cải tiến Orio cho người lớn sợ béo sợ nổi mụn nhưng vẫn thèm ngọt
    3. Kết hợp SCAMPER với khung thiết kế concept sản phẩm
  5. 5. Minh họa thực tiễn: Áp dụng SCAMPER để cải tiến sản phẩm cà phê đóng lon
    1. Minh họa thực tiễn
    2. Template đặt câu hỏi SCAMPER cho nhóm phát triển sản phẩm
  6. 6. Sai lầm thường gặp khi dùng SCAMPER và cách tránh
    1. Sai lầm 1: Sử dụng SCAMPER như một checklist để “đánh dấu đã làm”
    2. Sai lầm 2: Nghĩ thật nhiều ý tưởng nhưng không gắn với insight người dùng
    3. Sai lầm 3: Tạo ra ý tưởng hay về mặt truyền thông nhưng không khả thi để sản xuất
  7. 7. Kết luận: SCAMPER là bước đệm, không phải đích đến
    1. SCAMPER là bước đệm để mở rộng khả năng tưởng tượng có định hướng
    2. Từ SCAMPER đến sản phẩm thành công: Còn cả một hành trình phía sau
    3. Lời khuyên: Hãy đưa SCAMPER vào văn hóa phát triển sản phẩm

Tạo ra một sản phẩm mới đã khó, nhưng khiến sản phẩm đó được thị trường đón nhận còn khó hơn. Thực tế cho thấy, nhiều ý tưởng phải dừng lại giữa chừng không phải vì sai từ đầu, mà vì chưa đủ đột phá hoặc không được phát triển đúng cách. Nhận ra điều này, nhiều doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng mô hình Design Thinking – một quy trình tư duy sáng tạo lấy người dùng làm trung tâm, gồm 5 bước: thấu hiểu, xác định vấn đề, phát triển ý tưởng, tạo mẫu và kiểm thử.

Trong đó, bước phát triển ý tưởng (IDEATE) giữ vai trò bản lề, khi nhóm phát triển cần đưa ra nhiều giải pháp vừa sáng tạo vừa bám sát insight thực tế. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn dễ rơi vào vòng lặp ý tưởng cũ hoặc bí ý tưởng.

SCAMPER là một công cụ tư duy đơn giản nhưng mạnh mẽ, giúp đội ngũ phát triển sản phẩm tiếp cận vấn đề từ 7 góc nhìn khác nhau, từ đó mở rộng khả năng sáng tạo một cách có định hướng. Bài viết này sẽ làm rõ SCAMPER là gì, cách áp dụng trong bước Ideate, và cách chuyển hóa thành concept sản phẩm để triển khai thực tế.

1. Vì sao bước IDEATE là mạch sống của quy trình phát triển sản phẩm mới

Trong mô hình Design Thinking, bước IDEATE – phát triển ý tưởng nằm ở giữa, đóng vai trò trung tâm. Đây là lúc đội ngũ cần nghĩ ra thật nhiều hướng giải pháp để đáp ứng những nhu cầu chưa được thỏa mãn của người dùng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây lại là bước dễ bị xem nhẹ nhất. Nhiều nhóm phát triển thường làm rất nhanh bước này, nghĩ vài ý tưởng rồi chọn một cái “có vẻ hợp lý” để làm tiếp. Họ bị cuốn vào tiến độ, tài nguyên hoặc chỉ chăm chăm đi tìm “giải pháp đúng”, thay vì dành thời gian mở rộng góc nhìn sáng tạo.

Chính vì vậy, không ít sản phẩm khi ra thị trường bị đánh giá là thiếu khác biệt, chưa đủ mới mẻ, hoặc không thật sự giải quyết đúng nhu cầu người dùng.

Vậy thì:

Vì sao một bước quan trọng như IDEATE lại dễ bị bỏ qua?

Vì sao nhiều sản phẩm thất bại ngay từ giai đoạn ý tưởng dù quy trình vẫn đầy đủ?

Để trả lời hai câu hỏi đó, trước hết hãy cùng nhìn lại bản chất thật sự của bước IDEATE – nơi kết nối giữa việc hiểu đúng người dùngthiết kế giải pháp có tính khả thi.

1.1. IDEATE – Nhịp cầu giữa “hiểu nhu cầu” và “thiết kế giải pháp”

Theo mô hình Design Thinking được ứng dụng rộng rãi trong NPD, bước IDEATE đứng ở vị trí trung tâm, sau khi doanh nghiệp đã nắm bắt rõ nhu cầu chưa được đáp ứng (unmet needs) và trước khi tạo ra prototype (mẫu thử) cụ thể để kiểm nghiệm. Đây là giai đoạn:

  • Tập trung tạo ra thật nhiều ý tưởng mà không phán xét,
  • Tìm kiếm các góc nhìn mới để thoát khỏi “lối mòn tư duy”,
  • Kết nối giữa insight người dùng và các yếu tố có thể triển khai (feasibility).

Một bước IDEATE hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng khả năng đổi mới, không chỉ để cải tiến sản phẩm hiện tại mà còn để tạo ra giá trị mới, từ định vị thương hiệu, bao bì, đến mô hình sử dụng sản phẩm.

Quy trinh phat trien san pham
Quy trình phát triển sản phẩm mới

1.2. Vì sao IDEATE là bước dễ bị xem nhẹ và cần được đầu tư đúng cách

Trong thực tế, nhiều nhóm phát triển sản phẩm rơi vào 2 trạng thái cực đoan:

  • Hoặc “nhảy quá nhanh vào giải pháp”, bỏ qua bước tìm tòi ý tưởng đa chiều,
  • Hoặc “lên ý tưởng một cách cảm tính hoặc thiếu mục tiêu rõ ràng, thiếu kết nối giữa ý tưởng và insight thực tế của người dùng.

Cả hai đều khiến doanh nghiệp phát triển sản phẩm dựa trên giả định chủ quan, dễ dẫn đến thất bại khi ra mắt vì không giải quyết đúng vấn đề của người tiêu dùng.

Chính vì vậy, bước IDEATE cần một hệ thống công cụ hỗ trợ để:

  • Gợi mở nhiều hướng đi khác biệt từ cùng một vấn đề,
  • Đảm bảo các ý tưởng vẫn xoay quanh nhu cầu cốt lõi của người dùng,
  • Giúp nhóm phát triển tránh bị kẹt trong tư duy cũ hoặc xu hướng dễ dãi.

Trong số các công cụ hỗ trợ bước IDEATE, SCAMPER là một trong những lựa chọn đơn giản nhất nhưng lại đặc biệt hiệu quả trong việc phá vỡ lối mòn tư duy và kích hoạt hướng tiếp cận mới.

Không yêu cầu kỹ thuật phức tạp, không phụ thuộc vào ngành hàng hay nguồn lực lớn, SCAMPER có thể áp dụng ngay vào bất kỳ nhóm phát triển sản phẩm nào từ startup đến doanh nghiệp lớn.

Vậy SCAMPER thực chất là gì? Và vì sao nó có thể giúp bạn mở khóa những ý tưởng tiềm năng nhất cho sản phẩm mới? Chúng ta cùng bước vào phần tiếp theo.

2. SCAMPER là gì và vì sao nên ứng dụng vào phát triển sản phẩm?

Theo MIT Professional Education (2021), dựa trên nghiên cứu của Clayton Christensen, mỗi năm có khoảng 30.000 sản phẩm mới được giới thiệu và 95% trong số đó không đạt hiệu quả thương mại. Do đó, việc có một công cụ đơn giản nhưng hiệu quả để tạo ra ý tưởng khác biệt là yếu tố sống còn. Và SCAMPER chính là một trong những công cụ được thiết kế để kích hoạt khả năng tư duy sáng tạo, phá vỡ lối mòn trong quá trình phát triển sản phẩm mới.

SCAMPER là gì?

SCAMPER là viết tắt của bảy kỹ thuật tư duy sáng tạo, được phát triển từ nguyên lý “kết hợp và biến đổi” của Alex Osborn (cha đẻ của brainstorming) và được cụ thể hóa bởi Bob Eberle, chuyên gia giáo dục người Mỹ.

Bảy kỹ thuật này đại diện cho bảy dạng câu hỏi kích thích sáng tạo:

Bay ky thuat


Mỗi câu hỏi không chỉ mở ra một hướng đi mà còn buộc người làm sản phẩm phải tạm rời khỏi logic tuyến tính, từ đó phát hiện ra cơ hội chưa từng được nghĩ đến.

SCAMPER giúp giải quyết vấn đề gì trong quá trình sáng tạo?

Trong thực tế, việc phát triển sản phẩm mới thường vướng vào 3 loại rào cản sáng tạo:

  • Quá phụ thuộc vào hiện trạng: Chúng ta nghĩ “làm mới” chỉ là thay bao bì hay thêm hương vị.
  • Tư duy tuyến tính: Chúng ta chọn hướng đi đầu tiên nảy ra trong đầu, mà không mở rộng phạm vi khả năng.
  • Thiếu công cụ khơi mở sáng tạo: Brainstorming tự do thường không hiệu quả nếu không có khung dẫn dắt.

SCAMPER ra đời để giúp giải quyết tất cả những điểm nghẽn trên:

  • kích hoạt tư duy đa chiều một cách có hệ thống,
  • dẫn dắt tư duy sáng tạo theo hướng bám sát nhu cầu người tiêu dùng,
  • tạo ra nhiều phương án để chọn lọc, thay vì chỉ dừng lại ở một vài ý tưởng hiển nhiên.

Vì sao SCAMPER phù hợp với giai đoạn phát triển ý tưởng sản phẩm?

Trong bước IDEATE, mục tiêu không phải là chọn ý tưởng đúng, mà là tạo ra thật nhiều khả năng đúng để sau đó đánh giá và chọn lọc. SCAMPER hỗ trợ điều này bằng cách:

  • Tạo cấu trúc cho quá trình sáng tạo: SCAMPER không yêu cầu “ý tưởng thiên tài” mà đơn giản hóa việc sáng tạo thành chuỗi câu hỏi dẫn dắt.
  • Kích hoạt sự phá cách: Nhờ vào tính chất đa góc nhìn, SCAMPER giúp team nhìn sản phẩm từ góc độ nguyên liệu, bao bì, cách dùng, đối tượng sử dụng, quy trình sản xuất... chứ không chỉ tập trung vào công dụng chính.
  • Phù hợp với nhóm làm việc đa chức năng (cross-functional team): Ai cũng có thể đóng góp khi có cùng một khung câu hỏi rõ ràng.

Ví dụ, khi phát triển một sản phẩm snack mới, thay vì tự hỏi “Làm snack gì đây?”, bạn có thể bắt đầu bằng loạt câu hỏi SCAMPER như:

  • Có thể thay nguyên liệu bột mì bằng loại nào khác như bột khoai tây để tạo cảm giác mới mẻ hơn không? (Substitute)
  • Nếu snack này được kết hợp với một loại sốt chấm riêng kèm theo, liệu trải nghiệm ăn có thú vị hơn không? (Combine)
  • Liệu sản phẩm có thể được định vị lại như một món nhắm bia thay vì chỉ là đồ ăn vặt không? (Put to another use)
  • Bao bì hiện tại có thể thay đổi từ túi ngang sang túi đứng để trưng bày thuận tiện hơn không? (Reverse)

So sánh SCAMPER với các phương pháp brainstorming khác

Tiêu chíBrainstorming truyền thốngSCAMPER
Cách triển khaiTự do phát biểu, không giới hạnDựa vào hệ thống câu hỏi định hướng
Số lượng ý tưởng gợi mởThường bị giới hạn theo nhómTạo được nhiều ý tưởng nhờ 7 hướng tư duy
Mức độ tổ chứcKhông có khungCó cấu trúc rõ ràng và dễ theo dõi
Khả năng bám sát insightDễ bị lệch khỏi nhu cầu người dùngBuộc người làm phải tư duy dựa trên hiện trạng và vấn đề rõ ràng

SCAMPER không thay thế brainstorming mà nâng cấp nó lên một phiên bản có định hướng hơn.

SCAMPER không thay thế chiến lược nhưng là công cụ đắc lực để khơi mở chiến lược

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là: SCAMPER không thể tự tạo ra một chiến lược sản phẩm đúng. Tuy nhiên, nó là công cụ mạnh mẽ để mở khóa sáng tạo đúng lúc, khi bạn đã có trong tay:

  • Insight người tiêu dùng,
  • Một vấn đề cụ thể cần giải quyết,
  • Khung nhu cầu chưa được đáp ứng rõ ràng.

khi bạn đã có được một brief sản phẩm rõ ràng, hoặc đã xác định được nhu cầu cốt lõi cần giải quyết, SCAMPER là công cụ cực kỳ hiệu quả để tạo ra những ý tưởng đa dạng, gắn liền với thực tế tiêu dùng và đặc biệt, dễ kết nối thành concept sản phẩm có thể kiểm thử.

3. Bảy lăng kính SCAMPER – cách đặt câu hỏi đúng để kích hoạt ý tưởng sản phẩm

Không phải ai cũng có thể suy nghĩ sáng tạo khi được yêu cầu “hãy nghĩ một ý tưởng mới”. Nhưng nếu được dẫn dắt bởi những câu hỏi đúng, khả năng sáng tạo sẽ được kích hoạt một cách tự nhiên. SCAMPER chính là công cụ giúp làm điều đó với 7 lăng kính tư duy đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả, đặc biệt khi áp dụng trong phát triển sản phẩm.

Dưới đây là cách bạn có thể sử dụng từng kỹ thuật SCAMPER thông qua những câu hỏi gợi mở cụ thể và ví dụ minh họa trong bối cảnh phát triển sản phẩm tiêu dùng.


Lăng kính 1: Substitute – Thay thế

Tư duy cốt lõi: Có thành phần, chất liệu, chức năng nào hiện tại có thể thay thế bằng thứ khác tốt hơn không?

Gợi ý câu hỏi:

  • Nếu thay nguyên liệu A bằng B thì trải nghiệm có cải thiện không?
  • Nếu thay người sử dụng chính bằng nhóm đối tượng khác thì ý tưởng có phù hợp không?

Ví dụ: Thay sữa bò bằng sữa hạnh nhân trong dòng cà phê đóng chai để đáp ứng nhu cầu eat clean và không dung nạp lactose.

Khi nào dùng: Khi bạn muốn giữ lại bản chất sản phẩm nhưng thay đổi một yếu tố để tăng giá trị cảm nhận.


Lăng kính 2: Combine – Kết hợp

Tư duy cốt lõi: Có thể kết hợp sản phẩm hiện tại với một yếu tố khác để tạo giá trị mới không?

Gợi ý câu hỏi:

  • Nếu tích hợp thêm tính năng A vào sản phẩm, người dùng có thấy tiện lợi hơn không?
  • Có thể phối hợp với thương hiệu/dịch vụ khác để làm mới trải nghiệm?

Ví dụ: Kết hợp snack mặn với sốt cay nhỏ gọn đi kèm trong một gói sản phẩm giúp tạo khoái cảm “mê cay” và trải nghiệm tương tác.

Khi nào dùng: Khi bạn muốn tăng giá trị sử dụng hoặc tạo sự khác biệt nhờ sự kết hợp sáng tạo.


Lăng kính 3: Adapt – Điều chỉnh

Tư duy cốt lõi: Có thể điều chỉnh một yếu tố đã có trong ngành khác để áp dụng vào sản phẩm của mình không?

Gợi ý câu hỏi:

  • Có ý tưởng nào từ ngành khác mà mình có thể “mượn”?
  • Nếu điều chỉnh công dụng sản phẩm để phù hợp với bối cảnh mới, điều gì thay đổi?

Ví dụ: Áp dụng công nghệ “easy tear” (dễ xé) từ bao bì mỹ phẩm vào sản phẩm xúc xích để tăng tính tiện lợi cho dân văn phòng.

Khi nào dùng: Khi insight người tiêu dùng cho thấy rào cản đến từ sự “chưa phù hợp”.


Lăng kính 4: Modify – Biến đổi

Tư duy cốt lõi: Có thể thay đổi hình dáng, màu sắc, mức độ… để tạo cảm xúc khác biệt?

Gợi ý câu hỏi:

  • Nếu phóng đại một tính năng lên thì sản phẩm trở nên thế nào?
  • Nếu rút gọn sản phẩm về phiên bản “mini”, người dùng mới nào có thể tiếp cận?

Ví dụ: Biến nước rửa tay thành phiên bản mini bỏ túi nhiều mùi hương phù hợp với người trẻ đi học, đi chơi.

Khi nào dùng: Khi bạn cần tạo một phiên bản “twist” để làm mới sản phẩm mà không thay đổi bản chất.


Lăng kính 5: Put to Another Use – Dùng theo cách mới

Tư duy cốt lõi: Có thể dùng sản phẩm này trong một ngữ cảnh hoặc cho một đối tượng khác không?

Gợi ý câu hỏi:

  • Sản phẩm này có thể phục vụ nhóm đối tượng nào khác không?
  • Nếu thay đổi cách truyền thông, sản phẩm có “biến thành” thứ gì khác?

Ví dụ: Trà hoa cúc vốn để uống thư giãn, được đóng gói dưới dạng viên ngậm để hỗ trợ giấc ngủ và giảm stress nhanh cho dân công sở.

Khi nào dùng: Khi bạn muốn mở rộng cơ hội tiêu dùng, tạo thêm bối cảnh sử dụng mới.


Lăng kính 6: Eliminate – Loại bỏ

Tư duy cốt lõi: Có thành phần nào đang thừa thãi không? Điều gì có thể bỏ đi để làm sản phẩm tinh gọn hơn?

Gợi ý câu hỏi:

  • Có thể bỏ tính năng nào ít dùng để giảm chi phí không?
  • Nếu bỏ bao bì phụ, liệu có tạo cảm giác thân thiện với môi trường hơn không?

Ví dụ: Loại bỏ thìa nhựa trong hộp sữa chua vừa tiết kiệm chi phí vừa tăng điểm cộng về tính bền vững.

Khi nào dùng: Khi bạn muốn tối giản hóa sản phẩm hoặc định vị theo hướng tinh gọn, thân thiện.


Lăng kính 7: Reverse – Đảo ngược / Sắp xếp lại

Tư duy cốt lõi: Nếu đảo trật tự, thay đổi vai trò, sắp xếp lại yếu tố nào đó thì điều gì sẽ xảy ra?

Gợi ý câu hỏi:

  • Nếu thay đổi thứ tự trải nghiệm của người dùng thì sản phẩm sẽ ra sao?
  • Nếu bán sản phẩm theo gói đăng ký thay vì bán lẻ từng cái thì có tạo được thói quen sử dụng không?

Ví dụ: Đảo quy trình mua khẩu trang từ “chọn mẫu → chọn số lượng” thành “đặt gói hàng tháng theo mục đích sử dụng” tăng giá trị vòng đời khách hàng.

Khi nào dùng: Khi bạn muốn tạo sự khác biệt nhờ “cách dùng mới” hoặc “cảm giác mới” từ một sản phẩm quen thuộc.


Lăng kính SCAMPERCâu hỏi gợi mở chínhGhi chú sản phẩm của bạn
SubstituteCó gì có thể thay thế không?VD: Thay đường tinh luyện bằng mật ong trong đồ uống dinh dưỡng
CombineCó thể kết hợp với gì khác không?VD: Kết hợp snack với sốt chấm riêng trong cùng một gói
AdaptĐiều chỉnh yếu tố nào để phù hợp hơn?VD: Điều chỉnh vị cà phê để hợp khẩu vị miền Nam
ModifyCó thể phóng đại, thu nhỏ, biến đổi gì không?VD: Thiết kế phiên bản mini của thanh ngũ cốc tiện lợi
Put to another useCó thể dùng theo mục đích khác không?VD: Định vị lại trà hoa như món quà tặng sang trọng thay vì thức uống hàng ngày
EliminateCó gì có thể loại bỏ không?VD: Loại bỏ bao bì nhựa ngoài, chỉ giữ thiết kế đơn giản để thân thiện môi trường
Reverse/RearrangeCó thể đảo ngược hoặc sắp xếp lại gì không?VD: Chuyển bao bì từ dạng túi ngang sang túi đứng để trưng bày bắt mắt hơn

SCAMPER không hứa hẹn tạo ra sản phẩm “đột phá” ngay lập tức. Nhưng khi áp dụng đúng cách, nó mở ra bản đồ ý tưởng đa chiều giúp nhóm phát triển sản phẩm đi xa hơn những gì họ tưởng là “hết đường”. Điều quan trọng là chọn đúng lăng kính phù hợp với insight chứ không dùng như checklist rập khuôn.

4. SCAMPER + Insight = Công thức tạo concept sản phẩm đúng nhu cầu

SCAMPER là công cụ tuyệt vời để kích hoạt tư duy sáng tạo. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc “nghĩ ra thật nhiều ý tưởng”, bạn sẽ dễ rơi vào cái bẫy “creative for the sake of creativity”, tức là sáng tạo để cho có, mà không gắn với giá trị thật sự của người tiêu dùng. Muốn tạo ra ý tưởng đúng và đủ sâu, SCAMPER cần phải đặt trên nền tảng của Insight và Job To Be Done (J2BD).


Ý tưởng tốt không đến từ hư vô mà đến từ hiểu đúng vấn đề cần giải quyết

Trước khi đặt câu hỏi theo SCAMPER, đội phát triển sản phẩm cần làm rõ:

  • Người tiêu dùng đang cố gắng hoàn thành công việc gì (J2BD)?
  • Insight nào đang dẫn dắt hành vi hiện tại của họ?
  • Trải nghiệm nào khiến họ chưa hài lòng hoặc chưa được đáp ứng?

Ý tưởng sản phẩm chỉ thực sự giá trị nếu nó giải quyết đúng vấn đề thực sự, dù ở dạng hoàn toàn mới hay cải tiến nhỏ trong trải nghiệm hiện có.


SCAMPER hoạt động hiệu quả nhất khi xoay quanh một Insight rõ ràng

Thay vì áp dụng SCAMPER một cách rời rạc, bạn có thể kết nối từng kỹ thuật với insight cụ thể. Dưới đây là ví dụ minh họa cho sản phẩm sữa dinh dưỡng cho trẻ:

Insight: "Người lớn vẫn thích bánh Orio, nhưng họ muốn một phiên bản ít ngọt, thanh mảnh hơn để có thể thưởng thức mà không lo tăng cân hay bị nổi mụn vì ăn nhiều đồ ngọt."

Ứng dụng SCAMPER để cải tiến Orio cho người lớn sợ béo sợ nổi mụn nhưng vẫn thèm ngọt

SCAMPERỨng dụng sáng tạoGắn với Insight
SubstituteThay lớp nhân ngọt bằng nhân vị thanh mát như sữa hạnh nhân, trà xanh, hoặc sữa chua không đườngGiảm độ ngọt và cảm giác “guilt” khi ăn, phù hợp với người chú trọng vóc dáng và làn da
CombineKết hợp Orio với thức uống detox hoặc set “ăn nhẹ lành mạnh” (yogurt, trà hoa cúc...)Định vị Orio như một phần của combo ăn vặt “không lo béo” thay vì món bánh ngọt độc lập
AdaptThiết kế bao bì dạng thanh mảnh khẩu phần nhỏ hơn, vị dịu hơnNgười lớn có thể ăn trọn gói mà vẫn thấy “kiểm soát được” lượng đường nạp vào
ModifyTạo phiên bản “Orio Slim” – bánh mỏng, nhân mỏng, độ ngọt giảm 50%Cảm giác ăn nhẹ nhàng hơn, tránh nặng bụng hay mất kiểm soát khi ăn nhiều
Put to another useĐịnh vị như món tráng miệng sau bữa ăn lành mạnh (salad, cá hấp, gạo lứt…)Giúp người lớn ăn vặt hợp lý – vẫn giữ được hình ảnh sống healthy & mindful
EliminateLoại bỏ hoàn toàn màu nhân trắng, dùng màu tự nhiên – không đường tinh luyệnTăng sự tin tưởng với nhóm tiêu dùng quan tâm đến thành phần sạch, da đẹp, vóc dáng ổn định
ReverseThiết kế lại bánh: nhân mỏng bên ngoài, vỏ bánh bên trong – như “lớp vỏ bất ngờ”Tạo cảm giác mới lạ, cao cấp, khiến Orio không còn là “bánh của trẻ em” mà là snack tinh tế cho người lớn

Điểm chung trong bảng trên là: tất cả các hướng sáng tạo đều được sinh ra từ một Insight duy nhất. Đây chính là điều khiến SCAMPER trở nên mạnh mẽ không phải là số lượng ý tưởng, mà là sự liên kết chặt chẽ giữa sáng tạo và nhu cầu thực tế.


Kết hợp SCAMPER với khung thiết kế concept sản phẩm

SCAMPER là công cụ mạnh mẽ giúp tạo ra nhiều hướng ý tưởng cải tiến sản phẩm. Tuy nhiên, để những ý tưởng này không dừng lại ở mức “brainstorm thú vị”, ta cần chuyển chúng vào một khung cấu trúc rõ ràng, gọi là Product Concept Board.

Đây là bước trung gian quan trọng để biến ý tưởng thành sản phẩm khả thi: dễ kiểm thử, dễ truyền đạt, và có thể phát triển thành chiến lược thương mại hóa.


Cấu trúc Product Concept Board bao gồm 4 phần chính:

Thành phầnVai trò
PRODUCT NAME + PROPOSITIONTên sản phẩm và lời hứa giá trị nổi bật nhất
INSIGHT (Pain / Gain)Vấn đề sâu sắc hoặc mong muốn cụ thể của người dùng
BENEFIT CLAIMSLợi ích rõ ràng, cụ thể mà sản phẩm mang lại
RTB (Reason to Believe)Bằng chứng cho thấy sản phẩm thực sự mang lại giá trị như đã hứa

👉 Ví dụ: Từ SCAMPER đến concept Orio phiên bản dành cho người lớn

PRODUCT NAME + PROPOSITION

Orio Lite – Ăn ngon như cũ, cảm giác nhẹ như mới

Phiên bản Orio ít ngọt và thanh mảnh hơn, dành cho người lớn vẫn yêu hương vị Orio truyền thống nhưng muốn thưởng thức mà không lo tăng cân hay nổi mụn.


INSIGHT (Pain / Gain)

“Tôi vẫn thích ăn Orio, nhưng giờ ăn là lại sợ béo, sợ nổi mụn. Nếu có phiên bản nhẹ hơn một chút, tôi sẽ ăn mà không cần suy nghĩ.”


BENEFIT CLAIMS

  • Nhân ít ngọt, làm từ nguyên liệu thanh mát như trà xanh, sữa hạt
  • Bánh mỏng – ăn không ngán, dễ kiểm soát khẩu phần
  • Bao bì thiết kế tối giản, sang trọng – phù hợp với người trưởng thành
  • Trải nghiệm ăn nhẹ nhàng – không còn cảm giác "tội lỗi" sau khi ăn

RTB – Reason to Believe

  • Công thức mới giảm 50% lượng đường so với Orio truyền thống, không dùng chất tạo ngọt nhân tạo
  • Nhân bánh từ nguyên liệu lành mạnh: trà xanh, sữa hạt, yến mạch – thân thiện với vóc dáng và làn da
  • Thiết kế bao bì dạng thanh mảnh, màu sắc trung tính – phù hợp với thẩm mỹ và sự kín đáo của người trưởng thành
  • Đã được thử nghiệm cảm quan với người dùng độ tuổi 25–35: đa số đánh giá “ăn vừa đủ”, “không ngán”, “thấy dễ kiểm soát hơn”

Nhờ kết hợp SCAMPER với khung concept này, nhóm phát triển không chỉ có nhiều hướng cải tiến sản phẩm, mà còn đóng gói được ý tưởng thành một mô hình rõ ràng để trình bày, kiểm thử, hoặc đưa vào phát triển MVP (Minimum Viable Product). SCAMPER gợi mở chiều rộng, còn khung concept giúp định hình chiều sâu – tạo tiền đề cho một sản phẩm thực sự có tiềm năng trên thị trường.


Tóm lại: SCAMPER không đứng một mình – nó cần “người dẫn đường” là Insight

Một ý tưởng sáng tạo nhưng không gắn với nhu cầu thật sự sẽ chỉ là “ý tưởng vui mắt”. Một insight sâu sắc mà không được phát triển thành giải pháp cụ thể cũng không thể chuyển hóa thành giá trị kinh doanh.

Khi kết hợp đúng cách:

  • Insight cho bạn biết vấn đề gì cần giải quyết,
  • SCAMPER giúp bạn mở ra hàng loạt cách để giải quyết vấn đề đó.

Và chính sự kết hợp này mới tạo nên những concept sản phẩm thực sự có tiềm năng phát triển bền vững trên thị trường.

5. Minh họa thực tiễn: Áp dụng SCAMPER để cải tiến sản phẩm cà phê đóng lon

Minh họa thực tiễn

Hãy tưởng tượng bạn đang làm việc trong team phát triển sản phẩm của một thương hiệu cà phê đóng lon tại Việt Nam. Sau một thời gian tăng trưởng ổn định, sản phẩm bắt đầu chững lại. Dữ liệu bán hàng và phản hồi thị trường cho thấy:

  • Người dùng trẻ (25–35 tuổi, làm việc văn phòng) vẫn uống cà phê mỗi ngày nhưng đã bắt đầu thấy nhàm chán với những lựa chọn quen thuộc.
  • Họ muốn cà phê phải vừa tiện lợi, vừa cá nhân hóa, và gắn với cảm xúc – phong cách sống chứ không chỉ là năng lượng.
  • Một số người đã chuyển sang cold brew thủ công, cà phê take-away tại quán, hoặc thậm chí nước tăng lực.

Bài toán đặt ra: Làm thế nào để làm mới dòng sản phẩm cà phê đóng lon hiện tại, khiến nó gắn bó hơn với nhóm khách hàng này?


Dưới đây là cách team có thể áp dụng từng kỹ thuật SCAMPER để tạo ra những ý tưởng đột phá, dựa trên insight “cần một trải nghiệm cà phê có cá tính và cảm xúc – không còn chỉ là caffeine”:


S – Substitute (Thay thế)

Câu hỏi: Có nguyên liệu, hình thức, hay hành vi nào có thể thay thế để làm mới?

Ý tưởng:

  • Thay đường tinh luyện bằng syrup caramel tự nhiên → tạo cảm giác “handcrafted”.
  • Thay lon nhôm truyền thống bằng chai thủy tinh hoặc hộp giấy dạng đứng – cảm giác thân thiện, cao cấp hơn.

C – Combine (Kết hợp)

Câu hỏi: Có thể kết hợp sản phẩm với một yếu tố mới để tạo ra trải nghiệm vượt trội?

Ý tưởng:

  • Kết hợp cà phê lon với tinh dầu thiên nhiên (bạc hà, lavender...) để tạo trải nghiệm “vị + mùi” khi mở nắp – giống như “aroma shot”.
  • Combo “Cà phê + Podcast”: in QR dẫn đến playlist Spotify (tập trung, chill, morning reset...).

A – Adapt (Điều chỉnh)

Câu hỏi: Có thể điều chỉnh yếu tố gì để phù hợp với phong cách sống hiện đại hơn?

Ý tưởng:

  • Điều chỉnh khẩu phần về 150ml: nhỏ gọn – nhanh – đủ kick năng lượng trong 15 phút đầu ca làm việc.
  • Thiết kế label có thể cá nhân hóa: mỗi lon có dòng mood (Focus, Chill, Hype) để chọn theo tâm trạng.

M – Modify (Biến đổi)

Câu hỏi: Có thể làm đậm hơn, nhẹ hơn, mới hơn... phần nào?

Ý tưởng:

  • Tạo texture bọt nhẹ như latte khi mở lon – mang lại cảm giác “cà phê pha máy” dù là uống sẵn.
  • Biến đổi nắp lon thành dạng bật mở bằng một tay – tối ưu cho người bận rộn di chuyển.

P – Put to another use (Dùng theo cách mới)

Câu hỏi: Có thể dùng sản phẩm trong dịp, mục đích, hay bối cảnh khác?

Ý tưởng:

  • Định vị như “thức uống khởi động sáng tạo” – không chỉ tỉnh táo, mà còn khai mở mood để viết lách, brainstorming.
  • Gợi ý dùng trong co-working space như một phần combo set.

E – Eliminate (Loại bỏ)

Câu hỏi: Có thể bỏ bớt gì để tăng tính tinh gọn, an toàn, gần gũi?

Ý tưởng:

  • Loại bỏ toàn bộ chất tạo màu, hương liệu tổng hợp – định vị “Natural Cold Brew in a Can”.
  • Bỏ lớp bao bì giấy ngoài, chuyển sang thiết kế tối giản để giảm rác thải.

R – Reverse / Rearrange (Đảo ngược / Sắp xếp lại)

Câu hỏi: Có thể đảo thứ tự trải nghiệm hay thiết kế không?

Ý tưởng:

  • Đảo ngược thông điệp truyền thông: thay vì “cà phê để tỉnh”, truyền cảm hứng “hãy chọn mood trước – vị sau”.
  • Thiết kế lon theo chiều dọc dài, giống chai serum → liên tưởng đến năng lượng tinh chất – premium hóa cảm nhận.

Tổng hợp thành concept sản phẩm:

“MOODSHOT – Cà phê đóng lon theo tâm trạng”

Dòng cà phê đóng lon 150ml nhỏ gọn, mỗi vị đại diện một mood:

  • Focus: Robusta đậm vị, hương bạc hà

  • Chill: Arabica dịu nhẹ, hương lavender

  • Bold: Cold brew đặc biệt, hương caramel cháy

    Gắn QR mở playlist âm nhạc tương ứng, đóng gói trong lon đứng thiết kế tối giản. Không màu, không hương liệu – chỉ có cà phê nguyên chất và hương cảm xúc.


SCAMPER không chỉ giúp tạo ra nhiều hướng đi – mà còn giúp liên kết logic giữa insight, concept, thiết kế và truyền thông. Đây chính là sức mạnh khi công cụ sáng tạo được đặt đúng vào hệ tư duy chiến lược.

Template đặt câu hỏi SCAMPER cho nhóm phát triển sản phẩm

Bạn có thể sử dụng bảng sau trong các buổi brainstorm:

Lăng kính SCAMPERCâu hỏi gợi mở chínhGhi chú sản phẩm cà phê đóng lon
SubstituteCó gì có thể thay thế không?Thay đường tinh luyện bằng syrup tự nhiên (caramel, vanilla...); thay lon nhôm bằng chai thủy tinh hoặc hộp giấy đứng, cảm giác thân thiện, thủ công, cao cấp.
CombineCó thể kết hợp với gì khác không?Kết hợp với tinh dầu thiên nhiên để tăng trải nghiệm mùi; in QR dẫn đến playlist Spotify tương ứng mood khi uống (tập trung, thư giãn...).
AdaptĐiều chỉnh yếu tố nào để phù hợp hơn?Giảm khẩu phần còn 150ml nhỏ gọn, đủ năng lượng nhưng không quá nhiều; thiết kế mood trên nhãn (Focus, Chill, Hype) để người dùng chọn theo cảm xúc.
ModifyCó thể phóng đại, thu nhỏ, biến đổi gì không?Tạo bọt nhẹ như latte khi mở lon; biến nắp lon thành loại bật mở một tay – thuận tiện cho người bận rộn.
Put to another useCó thể dùng theo mục đích khác không?Định vị như thức uống khai mở sáng tạo (đầu ngày, viết lách, brainstorming); đóng gói dùng tại co-working space như một phần combo trải nghiệm.
EliminateCó gì có thể loại bỏ không?Loại bỏ hương liệu tổng hợp, chất tạo màu, định vị “Natural Cold Brew”; bỏ bao bì giấy ngoài, chuyển sang thiết kế tối giản – giảm rác, tăng tính bền vững.
Reverse/RearrangeCó thể đảo ngược hoặc sắp xếp lại gì không?Đảo thông điệp: từ “uống để tỉnh” → “chọn mood trước rồi để cà phê dẫn lối”; thiết kế lon dạng đứng dài như chai serum tạo cảm giác premium, cá tính.

6. Sai lầm thường gặp khi dùng SCAMPER và cách tránh

SCAMPER là công cụ đơn giản, dễ nhớ và dễ triển khai. Nhưng chính vì sự “dễ dùng” ấy, nhiều người hoặc nhóm phát triển sản phẩm lại sử dụng nó một cách máy móc, khiến cho những ý tưởng tạo ra hoặc sáo rỗng, hoặc xa rời mục tiêu kinh doanh. Dưới đây là 3 sai lầm phổ biến nhất khi áp dụng SCAMPER – và cách khắc phục để biến nó thành công cụ sáng tạo thật sự hiệu quả.


Sai lầm 1: Sử dụng SCAMPER như một checklist để “đánh dấu đã làm”

Nhiều nhóm áp dụng SCAMPER theo kiểu “đọc lướt – trả lời nhanh – xong”. Mỗi câu hỏi được trả lời sơ sài, mang tính mô tả chứ không đi sâu vào tư duy sáng tạo. Kết quả là một danh sách những “ý tưởng nửa vời” không có khả năng phát triển thành sản phẩm thực tế.

Cách tránh:

Hãy xem SCAMPER như bộ khung dẫn dắt tư duy, không phải bảng câu hỏi kiểm tra. Với mỗi kỹ thuật, hãy:

  • Dừng lại suy nghĩ từ nhiều góc độ: sản phẩm – người dùng – bối cảnh – cảm xúc – kênh bán.
  • Đặt câu hỏi tiếp nối: "Nếu thay đổi này được triển khai, thì... điều gì xảy ra tiếp theo?"
  • Tìm ví dụ thực tế từ ngành hàng khác để mở rộng tưởng tượng.

Sai lầm 2: Nghĩ thật nhiều ý tưởng nhưng không gắn với insight người dùng

SCAMPER vốn được sinh ra để kích hoạt sáng tạo trên nền insight, nhưng nhiều team lại dùng nó như một công cụ “bắn ý tưởng ngẫu hứng”, mà không dựa trên nhu cầu thực sự của người tiêu dùng. Điều này dễ khiến sản phẩm trở nên lạc lõng, không phù hợp với hành vi hoặc mong đợi của thị trường.

Cách tránh:

Trước khi brainstorm SCAMPER, hãy trả lời:

  • Người tiêu dùng đang gặp vấn đề gì?
  • Họ muốn đạt được điều gì mà sản phẩm hiện tại chưa giải quyết?
  • Họ cảm thấy thiếu cảm hứng, bất tiện hay mất kết nối ở đâu?

Hãy in Insight lớn ra bảng và để nó ở giữa buổi brainstorm. Mỗi ý tưởng SCAMPER phải giải quyết một điểm đau cụ thể hoặc gia tăng một giá trị cụ thể cho người dùng.


Sai lầm 3: Tạo ra ý tưởng hay về mặt truyền thông nhưng không khả thi để sản xuất

SCAMPER rất dễ dẫn đến những ý tưởng “nghe thì hay” nhưng không thể triển khai do rào cản về công nghệ, chi phí, hệ thống phân phối hoặc trải nghiệm thực tế. Ví dụ: lon cà phê đổi màu theo nhiệt độ, bao bì phát nhạc khi mở... có thể hấp dẫn nhưng vượt quá năng lực thực thi của doanh nghiệp.

Cách tránh:

Hãy chia buổi brainstorm SCAMPER thành hai pha:

  • Pha 1 – Mở rộng: Không giới hạn – khuyến khích sáng tạo phá cách, “điên rồ”.
  • Pha 2 – Hội tụ: Đánh giá từng ý tưởng dựa trên 3 yếu tố: giải quyết đúng nhu cầu, khả thi về vận hành, và khả năng tạo khác biệt.

Đừng vội loại bỏ ý tưởng “kỳ dị”, nhưng cũng đừng tiến tới concept hóa nếu không có dữ liệu hoặc nền tảng triển khai vững chắc.


Tóm lại: SCAMPER là khung kích hoạt tư duy – không phải công thức đóng hộp

Để dùng SCAMPER đúng cách, bạn cần:

  • Bắt đầu từ Insight rõ ràng – tránh brainstorm trong khoảng trống.
  • Dẫn dắt theo chiều sâu, không chỉ chiều rộng – mỗi ý tưởng cần lý do và logic phát triển.
  • Kết nối chặt với hệ sinh thái thương hiệu – SCAMPER là công cụ phát triển, không thể tách rời chiến lược sản phẩm.
Ba sai lam khi dung scamper
Ba sai lầm khi sử dụng Scamper

Khi được dùng đúng, SCAMPER không chỉ tạo ra nhiều ý tưởng – mà còn tạo ra ý tưởng đúng, giúp sản phẩm bứt phá khỏi vùng an toàn và chạm được vào cảm xúc thật của người dùng.

7. Kết luận: SCAMPER là bước đệm, không phải đích đến

SCAMPER là một trong những công cụ sáng tạo đơn giản nhưng mạnh mẽ nhất mà bất kỳ marketer, nhà phát triển sản phẩm hay founder nào cũng nên biết sử dụng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ công cụ nào, SCAMPER chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được đặt vào đúng bối cảnh, sử dụng với tư duy chiến lược và đi cùng các bước triển khai cụ thể.


SCAMPER là bước đệm để mở rộng khả năng tưởng tượng có định hướng

Điểm mạnh lớn nhất của SCAMPER không nằm ở việc tạo ra "ý tưởng thiên tài", mà là:

  • Gợi mở những hướng đi mà bạn chưa từng nghĩ tới,
  • Thúc đẩy cả nhóm cùng suy nghĩ có cấu trúc và đa chiều,
  • Giúp vượt qua tình trạng “tắc ý tưởng” trong giai đoạn phát triển sản phẩm mới.

SCAMPER không thay bạn làm chiến lược, nhưng nó giúp chiến lược không bị bó hẹp trong những lựa chọn cũ kỹ.


Từ SCAMPER đến sản phẩm thành công: Còn cả một hành trình phía sau

Việc có nhiều ý tưởng mới chỉ là bước khởi đầu. Sau SCAMPER, nhóm phát triển sản phẩm vẫn cần tiếp tục:

  • Sàng lọc và ưu tiên: chọn lọc các ý tưởng có tính khả thi và bám sát insight người dùng.
  • Tạo concept và kiểm thử nhanh: đưa ý tưởng thành format rõ ràng và kiểm tra với người tiêu dùng thật.
  • Rà soát hệ sinh thái thương hiệu: đảm bảo ý tưởng không phá vỡ tính nhất quán trong chiến lược thương hiệu tổng thể.
  • Chuẩn bị triển khai: phân tích chi phí, công nghệ, kênh bán, truyền thông... để lên kế hoạch ra mắt thực tế.

SCAMPER giúp bạn “nghĩ khác”, nhưng thành công đến từ việc nghĩ kỹ – làm đúng – kiểm tra liên tục – và cải tiến không ngừng.


Lời khuyên: Hãy đưa SCAMPER vào văn hóa phát triển sản phẩm

Thay vì chỉ dùng SCAMPER trong một buổi brainstorm, hãy:

  • Biến nó thành công cụ mặc định trong mọi giai đoạn phát triển ý tưởng,
  • Huấn luyện toàn team (R&D, Marketing, Sales...) biết đặt câu hỏi theo 7 hướng của SCAMPER,
  • Áp dụng linh hoạt vào các vấn đề khác ngoài sản phẩm: cải tiến bao bì, chiến dịch truyền thông, kịch bản bán hàng...

Bởi vì, sáng tạo không nên là đặc quyền của một bộ phận – mà là kỹ năng chung của cả tổ chức.


Bạn sẽ bắt đầu dùng SCAMPER cho điều gì hôm nay?

  • Một sản phẩm bạn đang quản lý đã chững lại?
  • Một ý tưởng chưa “bung sáng” như mong muốn?
  • Một insight bạn biết rõ, nhưng chưa tìm được cách thể hiện khác biệt?

Hãy bắt đầu bằng một câu hỏi SCAMPER – và xem tư duy của bạn đi được bao xa.

🎓 Nâng cấp tư duy sáng tạo & phát triển sản phẩm với khóa học “The Journey of Brand Building – Thiết kế Chiến lược & Kế hoạch Marketing”!

Nếu bạn muốn biến những ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm thực tế có tiềm năng tăng trưởng, hãy bắt đầu với chương trình học 25 buổi chuyên sâu, hệ thống hóa toàn bộ quy trình xây dựng thương hiệu – từ phân tích thị trường, phát triển concept, đến thiết kế plan thương mại hóa.

Khóa học được phát triển bởi CASK dựa trên kinh nghiệm thực tiễn từ các dự án marketing ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

🔗 Tìm hiểu và đăng ký học:

Chương trình học: https://www.cask.vn/brand/brand
Kiến thức chuyên sâu: https://www.cask.vn/blog/brand
Tải Ebook Brand Competency Framework: https://cask.learnworlds.com/course/khung-nang-luc-brand-marketing

Tin tức gợi ý