Lời nguyền của tri thức là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến thông điệp truyền thông không được hiểu đúng. Dù marketer nắm chắc insight và chiến lược, thực tế chỉ khoảng 50% thông điệp được người nghe hiểu đúng. Càng có nhiều kiến thức, bạn càng dễ truyền đạt từ góc nhìn của người “đã biết” và đánh mất kết nối với người chưa biết gì.
Kết quả là thông điệp trở nên xa lạ, thiếu cảm xúc, không tạo được phản ứng. Nếu bạn từng thấy “mình nói rất rõ mà người khác vẫn không hiểu”, bài viết này sẽ giúp bạn nhận diện chiếc bẫy tư duy quen thuộc và cách thoát ra để làm truyền thông hiệu quả hơn.
1. Lời nguyền của tri thức là gì?
Curse of Knowledge, hay lời nguyền của tri thức, là hiện tượng xảy ra khi bạn biết một điều gì đó quá rõ nên không thể hình dung được cảm giác “không biết” là như thế nào. Bạn mặc định người khác sẽ hiểu điều bạn hiểu, cảm điều bạn cảm, từ đó dẫn đến những cách truyền đạt không phù hợp với người nghe.
Đây là một lỗi phổ biến trong truyền thông marketing. Khi marketer hiểu rất rõ sản phẩm, chiến lược và insight, họ thường viết nội dung hoặc brief theo tư duy người trong cuộc. Họ sử dụng các thuật ngữ, cấu trúc, hoặc logic đã trở nên quá quen thuộc với mình nhưng hoàn toàn xa lạ với người tiêu dùng. Kết quả là, thông điệp đưa ra có thể rất đúng với chiến lược, nhưng lại không chạm được người đọc, vì người đọc… không hiểu.
Nick Morgan từng chỉ ra rằng: “50% thông điệp bị hiểu sai so với ý định ban đầu, dù người nói tin rằng mình đã trình bày rõ ràng.” Điều này phản ánh chính xác cái bẫy mà Curse of Knowledge tạo ra. Marketer có thể nghĩ rằng: “Tôi nói rất rõ, vấn đề nằm ở người nghe.” Nhưng thực tế, chính sự hiểu biết quá sâu lại khiến họ đánh mất khả năng nói một cách đơn giản, dễ cảm và đúng với thế giới quan của người chưa biết gì cả.
Nếu không nhận ra mình đang mang lời nguyền này, marketer dễ rơi vào vòng lặp: càng hiểu nhiều, càng trình bày rối rắm. Và điều đáng sợ nhất là, họ sẽ tiếp tục nghĩ mình đang làm đúng, trong khi người nhận thì không cảm thấy gì cả.
2. Dấu hiệu bạn đang mắc “lời nguyền của tri thức” trong truyền thông
Rất nhiều marketer gặp tình trạng “ý tưởng thì đúng nhưng không ai phản hồi tích cực”, mà không hề nhận ra rằng vấn đề nằm ở cách họ đang truyền đạt từ góc nhìn của người đã biết quá rõ. Sự khác biệt giữa tư duy “người làm” và trải nghiệm “người nhận” chính là ranh giới giữa hiệu quả và thất bại trong truyền thông. Dưới đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn có thể đang rơi vào bẫy lời nguyền của tri thức.
2.1. Khi thông điệp trở nên quá phức tạp hoặc trừu tượng
Một dấu hiệu dễ nhận biết là bạn viết ra những câu nghe có vẻ chuyên môn, mạch lạc, đúng xu hướng, nhưng lại không ai nhớ được điều cốt lõi. Ví dụ như câu: “Giải pháp tối ưu hóa hiệu suất vận hành thông qua tích hợp AI, giúp doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện.” Với người trong ngành, đó là một thông điệp hoàn toàn hợp lý. Nhưng với người đọc mới, nó không vẽ ra bất kỳ hình ảnh cụ thể nào, cũng không tạo ra động lực để tiếp tục đọc hay tìm hiểu. Khi thông điệp thiếu hình ảnh, thiếu cảm xúc, nó sẽ trở thành một dòng chữ trôi tuột trong vô thức.
Tìm hiểu thêm về: Thông điệp của bạn có thật sự hiệu quả?
2.2. Khi nội dung thiên về lý tính và thiếu cảm xúc
Bạn có thể đã mô tả sản phẩm rất đúng: tính năng nổi bật, thông số kỹ thuật, lợi ích chức năng. Nhưng nếu thiếu cảm xúc, thiếu bối cảnh đời sống, người tiêu dùng sẽ không thấy sự liên quan với chính họ. Ví dụ, câu “Sữa có canxi giúp xương chắc khỏe” là một mô tả đúng, nhưng vô hồn. Ngược lại, câu chuyện “Bé An không còn sợ giờ thể dục vì chạy nhanh hơn các bạn nhờ uống sữa mỗi sáng” lại tạo ra một hình ảnh dễ thương, sống động, khiến người đọc dễ hình dung và cảm nhận được giá trị thực tế của sản phẩm.
2.3. Khi brief hoặc proposal thiếu ví dụ minh họa
Một bản brief được viết đầy đủ mục tiêu, đối tượng, thông điệp, nhưng lại không kèm theo ví dụ cụ thể, tình huống minh họa hay hình ảnh hóa ý tưởng, cũng là dấu hiệu cho thấy bạn đang truyền đạt theo tư duy của người “ở bên trong”. Trong khi đó, người nhận brief thường không cùng vùng hiểu biết với bạn sẽ khó tưởng tượng ra ý định của bạn nếu không có “cầu nối” bằng ví dụ cụ thể. Việc kỳ vọng họ tự hiểu là điều phi lý, và thường dẫn đến hiểu sai hoặc thực thi lệch hướng.
Đọc thêm về: Cách biết bản Brief lý tưởng
2.4. Khi người nghe không dám hỏi lại
Đây là một dấu hiệu âm thầm nhưng cực kỳ quan trọng. Sau khi bạn trình bày xong, nếu người đối diện chỉ gật gù, chuyển chủ đề, hoặc né tránh phản hồi, đừng vội mừng. Có thể họ... không hiểu, nhưng không dám hỏi vì sợ “lộ ra mình không biết”. Lỗi không nằm ở họ, mà là ở người truyền đạt, người đã không xây được chiếc cầu nối giữa tri thức của mình và tư duy của người nghe.
Nếu bạn thấy mình gặp phải một hay nhiều tình huống ở trên, rất có thể bạn đang mang trong mình lời nguyền của tri thức một cách vô thức. Điều đó không có nghĩa bạn làm sai. Chỉ là cách bạn nói đúng… nhưng không ai hiểu. Và điều cần làm tiếp theo, không phải là đơn giản hóa mọi thứ một cách hời hợt, mà là học cách cấu trúc lại ý tưởng theo hướng dễ cảm, dễ nhớ, dễ phản hồi.
Chúng ta sẽ cùng khám phá điều đó ở phần tiếp theo: 6 nguyên tắc để biến một ý tưởng từ “đúng nhưng khó hiểu” thành “đơn giản, dễ nhớ và tạo ra phản ứng truyền thông thực sự.”

3. Làm sao để ý tưởng truyền thông trở nên dễ hiểu, dễ nhớ và dễ lan tỏa?
Khi một thông điệp không chạm được người nghe, nguyên nhân thường không nằm ở nội dung bạn muốn nói, mà ở cách bạn diễn đạt. Để vượt qua lời nguyền của tri thức, người làm marketing – truyền thông cần học cách chuyển đổi góc nhìn: từ người hiểu sang người cần hiểu. Một trong những công cụ thực tiễn nhất để thực hiện điều đó là bộ nguyên tắc SUCCESs, được giới thiệu trong cuốn sách nổi tiếng Made to Stick. Để bạn dễ hình dung, ta sẽ đi qua từng yếu tố bằng một ví dụ xuyên suốt vềmột thương hiệu muốn khuyến khích người tiêu dùng uống đủ nước mỗi ngày, thông qua sản phẩm chai nước thể tích nhỏ, tiện mang theo bên mình.
3.1. Simple – Đơn giản hóa thông điệp
Thay vì nói: “Giải pháp giúp duy trì sức khỏe tế bào và hỗ trợ quá trình trao đổi chất thông qua bổ sung nước đều đặn mỗi ngày”, hãy quay về điều cốt lõi nhất. Một thông điệp đơn giản có thể là: “Uống đủ nước – bắt đầu từ chai đầu tiên trong balo bạn.”
Chìa khóa ở đây là: nếu người nghe chỉ nhớ một điều, đó phải là điều dễ hiểu và dễ lặp lại. Sự đơn giản không hạ thấp sự thông minh mà nó mở cánh cửa để người khác bước vào.
3.2. Unexpected – Tạo bất ngờ để thu hút chú ý
Sự bất ngờ giúp người ta dừng lại. Bạn có thể mở đầu bằng một cú “twist” như: “80% người mang theo điện thoại nhưng chưa đến 20% mang theo nước.” Câu nói này phá vỡ kỳ vọng, khiến người đọc tò mò và muốn biết tiếp: “Vì sao lại như vậy?” hoặc “Có gì quan trọng ở việc mang theo nước?”
Trong thế giới mà mọi người đã quá quen với các thông điệp "hãy uống nước đủ", thì một cú xoay như vậy sẽ khiến thương hiệu của bạn trở nên đáng chú ý hơn.
3.3. Concrete – Cụ thể hóa bằng hình ảnh và tình huống
Thay vì nói “nâng cao nhận thức về việc bổ sung nước”, hãy tạo hình ảnh dễ tưởng tượng: “Cô Linh – nhân viên văn phòng, chỉ nhận ra mình chưa uống ngụm nước nào vào 3 giờ chiều, đến khi nhìn thấy vết nứt trên môi khi soi gương trong toilet.”
Khi bạn cụ thể hóa bằng một tình huống, người đọc dễ liên tưởng đến chính mình. Tính cụ thể không chỉ làm rõ nội dung, mà còn giúp tạo nên cảm giác “đây chính là tôi”.
3.4. Credible – Tăng độ tin cậy bằng chứng cứ rõ ràng
Một thông điệp sẽ mạnh hơn khi nó gắn với con số hoặc sự thật dễ kiểm chứng. Ví dụ: “Chỉ mất 1–2% nước cơ thể cũng có thể khiến bạn giảm tập trung và làm việc kém hiệu quả.”
Độ tin cậy không nhất thiết đến từ báo cáo dài dòng mà chỉ cần một dữ kiện đơn giản, nhưng đúng lúc, đúng chỗ.
3.5. Emotional – Gợi cảm xúc thay vì chỉ lý tính
Thay vì nói “nước giúp tăng hiệu quả làm việc”, bạn có thể chạm vào cảm xúc: “Mỗi ngụm nước bạn uống không chỉ làm dịu cơn khát, mà còn là cách bạn âm thầm chăm sóc sức khỏe, sự tỉnh táo và cả tương lai của chính mình, mà chẳng cần cố gắng gì nhiều.”
Người ta không hành động vì logic. Họ hành động vì cảm giác an tâm, yêu thương, tự hào. Một thông điệp cảm xúc không chỉ khiến họ nhớ, mà còn khiến họ muốn chia sẻ.
3.6. Story – Biến thông điệp thành câu chuyện
Và thay vì kết thúc bằng một slide thông tin, hãy kể một câu chuyện ngắn:
“Hà là mẹ của hai bé sinh đôi. Cô luôn mệt mỏi vì không có thời gian chăm sóc bản thân. Từ ngày mua loại nước nhỏ tiện mang theo, cô đặt sẵn 2 chai vào túi xách mỗi sáng. Giờ đây, mỗi lần uống nước, Hà không chỉ tỉnh táo hơn mà còn cảm thấy mình vẫn đang yêu thương chính mình.”
Câu chuyện không cần dài, không cần kịch tính. Nhưng chỉ cần thật và đúng người là đủ để tạo kết nối.

Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ bước sang một góc nhìn chuyên môn hơn: vì sao khả năng đơn giản hóa không chỉ là kỹ năng trình bày, mà thực chất là một năng lực chiến lược, cốt lõi của người làm truyền thông thực thụ.
4. Đơn giản hóa không phải là “viết dễ hiểu” – đó là một năng lực chiến lược
Nhiều marketer sau khi hiểu về lời nguyền của tri thức và học được các nguyên tắc để diễn đạt thông điệp rõ ràng, dễ nhớ, vẫn gặp rào cản trong quá trình áp dụng. Không phải vì họ thiếu kỹ năng viết, mà vì họ vẫn đang xem việc đơn giản hóa là bước sau cùng là một lớp “trang điểm lại câu chữ” thay vì coi đó là gốc rễ tư duy của người làm truyền thông chiến lược.
4.1. Đơn giản hóa là tái cấu trúc tư duy, không chỉ là chỉnh sửa câu chữ
Một thông điệp dễ hiểu không bắt đầu từ việc chọn từ ngữ nào, mà bắt đầu từ mức độ bạn hiểu vấn đề đến đâu. Chỉ khi bạn thực sự thấu hiểu, bạn mới có khả năng chắt lọc ra điều cốt lõi và dũng cảm cắt bỏ những gì không cần thiết. Đơn giản không phải là rút gọn, mà là tinh lọc: bạn nói đúng điều người nghe cần tiếp nhận, không phải điều bạn muốn thể hiện.
Để làm được điều đó, bạn cần học cách cấu trúc lại toàn bộ mạch suy nghĩ, từ insight đến lý do tin tưởng, từ dữ kiện đến cảm xúc sao cho liền mạch và dễ nắm bắt. Quan trọng hơn hết, bạn cần rũ bỏ cái tôi chuyên môn và bước sang thế giới của người lần đầu tiếp cận thông tin. Khi bạn “bắt đầu lại từ đầu”, bạn mới có thể xây một cây cầu kết nối thật sự.
4.2. Đơn giản không đồng nghĩa với nông
Một hiểu lầm thường thấy là nếu nói đơn giản quá, nội dung sẽ trở nên hời hợt. Nhưng thực tế thì ngược lại. Chỉ những ai hiểu đủ sâu mới có thể trình bày vấn đề một cách đơn giản mà vẫn thuyết phục. Đây là lý do vì sao trong các buổi thuyết trình hiệu quả, người nói có thể dùng ngôn ngữ rất bình dân nhưng khiến người nghe gật đầu ngay từ ba phút đầu tiên.
Năng lực này đặc biệt quan trọng khi bạn phải truyền đạt với đối tượng không chuyên sâu: viết brief cho agency, trình bày proposal cho client hoặc sếp, hoặc truyền thông ra thị trường đại chúng. Càng đơn giản, càng có khả năng lan tỏa.
4.3. Truyền đạt đơn giản là năng lực sống còn của người làm chiến lược
Trong thế giới mà người dùng chỉ dừng lại ba giây cho một thông điệp, khả năng truyền tải một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm, dễ nhớ không còn là điểm cộng mà là điều kiện tối thiểu nếu bạn muốn chiến dịch của mình có cơ hội sống sót.
Điều may mắn là: đây không phải kỹ năng bẩm sinh. Đó là một năng lực bạn có thể luyện tập, mỗi ngày, bắt đầu bằng việc nhận diện lời nguyền tri thức trong chính mình và kiên nhẫn luyện tập để thoát ra khỏi nó.
5. Tổng kết: Làm gì để không trở thành người “nói hay không ai hiểu”?
Một trong những sai lầm phổ biến của người làm truyền thông là nói từ góc nhìn của người đã biết quá rõ. Đây là “lời nguyền tri thức” – khi bạn vô tình dùng cách diễn đạt vượt ngoài tầm hiểu của người nghe, dù nội dung là đúng. Điều nguy hiểm là bạn không nhận ra mình đang mắc lỗi. Và kết quả là: thông điệp bị hiểu sai, bị bỏ qua, hoặc tệ hơn là không chạm được đến ai cả.
Vậy phải làm gì?
Bắt đầu từ việc thay đổi góc nhìn. Trước mỗi brief, proposal hay nội dung quảng cáo, hãy tự hỏi: “Nếu người đọc chỉ biết một nửa điều tôi biết, họ sẽ hiểu ra sao?”
Rồi kiểm tra lại thông điệp qua 3 tiêu chí: Có cụ thể không? Có dễ nhớ không? Có gợi hình ảnh hoặc cảm xúc không? Và cuối cùng, hãy luyện cách biến thông tin khô khan thành câu chuyện dễ cảm, dễ hình dung, dễ kết nối.
Nếu bạn đang loay hoay trong chiếc bẫy tri thức, hiểu rất rõ nhưng không ai hiểu bạn đang truyền thông điều gì thì đã đến lúc trang bị lại tư duy từ gốc.
Khóa học The Journey of Brand Building tại CASK sẽ giúp bạn làm chủ cách xây dựng thông điệp thương hiệu: rõ ràng, dễ hiểu và thực sự chạm đến người nghe. Không chỉ học cách nói đúng, mà là nói sao cho người chưa biết gì cũng muốn hiểu và hành động.
Đừng để tri thức tạo khoảng cách. Hãy bắt đầu hành trình truyền thông thương hiệu một cách chiến lược và hiệu quả hơn.
(1).png)
Tìm hiểu và nhận tư vấn về chương trình tại: https://www.cask.vn/brand/brand
Đọc thêm:
- Kiến thức chuyên sâu: https://www.cask.vn/blog/brand
- Tải Ebook Brand Competency Framework: https://cask.learnworlds.com/course/khung-nang-luc-brand-marketing